Dậy thì sớm ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh
Dậy thì sớm ở trẻ được coi là một bệnh lý do ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Và theo như nghiên cứu thì tỷ lệ dậy thì sớm ở bé gái thường nhiều gấp 5 lần bé trai.
Vậy nguyên nhân của dậy thì sớm ở trẻ là gì?
Làm thế nào để chúng ta có thể phòng tránh được căn bệnh này một cách hữu hiệu?
Dậy thì sớm là gì?
Trước tiên, thì chúng ta cần phải hiểu dậy thì là gì đã:
- Là sự phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát. Đối với trẻ gái tuổi bắt đầu dậy thì bắt đầu từ 8-13 tuổi, trẻ trai bắt đầu dậy thì từ 9-14 tuổi.
- Trẻ gái: Phát triển tuyến vú, tăng kích thước bộ sinh dục, phát triền lông mu, lông nách, hành kinh, tăng trưởng nhanh về chiều cao…
- Trẻ trai: Tinh hoàn to, dương vật to, phát triền lông mu, lông nách, khàn tiếng, tăng trưởng nhanh về chiều cao..
Vậy dậy thì sớm là khi các dấu hiệu dậy thì xuất hiện sớm hơn bình thường:
- Đối với bé gái là trước 8 tuổi.
- Đối với bé trai là trước 9 tuổi.
Nguyên nhân dậy thì sớm
Để hiểu nguyên nhân của bệnh dậy thì sớm ở trẻ em, cha mẹ cần biết đến lí do xảy ra hiện tượng dậy thì ở trẻ.
Vùng dưới đồi ở não bắt đầu quá trình sản xuất một loại hormone có tên là GnRH. Hormone này đến tuyến yên, là một tuyến nhỏ giống hạt đậu nằm ở phía sau não, nó dẫn đến việc sản xuất nhiều hormone trong buồng trứng cho nữ (có tên là estrogen) và tinh hoàn cho nam (có tên là testosterone).
Estrogen có vai trò trong sự tăng trưởng và phát triển các đặc tính sinh dục của bé gái. Testosterone chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng và phát triển các đặc tính sinh dục của bé trai. Tại sao quá trình này bắt đầu sớm ở một số trẻ phụ thuộc vào nguyên nhân trung ương, ngoại biên hay một phần.
Dậy thì sớm trung ương
Nguyên nhân của dậy thì sớm trung ương thường không thể xác định được. Đối với phần lớn trẻ mắc bệnh này là không có vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn trước đó. Trong một số ít trường hợp, dậy thì sớm trung ương có thể được gây ra bởi:
- Một khối u trong não hoặc tủy sống (hay còn gọi là hệ thần kinh trung ương).
- Một khiếm khuyết trong não như tích tụ chất lỏng bất thường (não úng thủy) hay khối máu tụ.
- Điều trị não hay tủy sống bằng phương pháp xạ trị.
- Tổn thương ở não do chấn thương, tai nạn…
- Hội chứng di truyền hiếm gặp McCune – Albright, ảnh hưởng đến xương và màu da của trẻ. Bệnh gây rối loạn đến quá trình sản xuất các hormone.
- Tăng sinh thượng thận bẩm sinh. Là bệnh lí di truyền có tính chất gia đình, do thiếu hụt một trong những men cần thiết cho việc tổng hợp hormone ở tuyến thượng thận.
- Suy giáp, một tình trạng mà tuyến giáp không sản xuất đủ các loại hormone cần thiết.
Dậy thì sớm ngoại biên
Estrosgen và Testosterone trong cơ thể trẻ nếu bị rối loạn sẽ dẫn đến loại dậy thì này. Tỉ lệ dậy thì sớm ngoại biên rất ít, là do không có sự điều hòa ở não qua hormone GnRH. Thay vào đó, nguyên nhân giải phóng là tiết estrogen và testosterone vào cơ thể do bất thường ở buồng trứng, tinh hoàn, tuyến thượng thận và tuyến yên.
Ở cả bé gái và bé trai, những điều sau đây có thể dẫn đến dậy thì sớm ngoại biên:
- Khối u ở tuyến thượng thận, tuyến yên, buồng trứng (ở bé gái) hay tinh hoàn (ở bé trai).
- Hội chứng McCune – Albright.
- Tiếp xúc với các nguồn estrogen và testosterone bên ngoài như thoa kem hoặc thuốc mỡ.
- Một rối loạn di truyền hiếm gặp, không liên quan đến hormone GnRH, dẫn đến việc sản xuất testosterone sớm ở bé trai. Thường ở độ tuổi từ 1 đến 4 tuổi.
Dậy thì sớm một phần
Là tình trạng phát triển sớm và riêng lẻ một đặc tính sinh dục. Không tiến triển hoặc tiến triển rất chậm
Dấu hiệu nhận biết dậy thì sớm
Đối với trẻ trai
- Bộ phận sinh dục phát triển
- Lông nách và lông mu bắt đầu xuất hiện
- Mụn trứng cá
- Cơ thể có mùi
- Vỡ giọng
- Sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng
Đối với trẻ gái
- Ngực phát triển
- Mọc lông mu và lông nách
- Thay đổi hình dạng cơ quan sinh dục ngoài
- Dấu hiệu về kinh nguyệt.
- Tăng chiều cao và cân nặng
Tác hại của việc dậy thì sớm
Chiều cao thấp
Trẻ em dậy thì sớm có thể phát triển nhanh chóng và cao nhanh hơn so với các bạn cùng trang lứa. Khi đó xương của trẻ phát triển nhanh hơn bình thường, kéo theo việc ngừng phát triển sớm hơn bình thường. Điều này có thể khiến trẻ có chiều cao thấp khi trưởng thành.
Ảnh hưởng tới tâm lý
Trẻ có sự phát triển sớm hơn so với các bạn ở cùng trang lứa có thể gây ra các vấn đề về tâm lý. Trẻ ngại ngùng, dễ làm trẻ tự ti, thiếu tự tin về nhũng thay đổi trên cơ thể.
Quan hệ tình dục sớm
Trẻ có xu hướng quan hệ tình dục sớm trước tuổi trưởng thành do sự phát triển sinh lý quá sớm. Điều này có thể khiến trẻ dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Gây hậu quả như mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai sớm…
Ảnh hưởng tới chất lượng học tập của trẻ
Trẻ dễ bị lơ là, bỏ bê việc học do những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian dậy thì. Thời điểm này bố mẹ cần chú ý khuyên nhủ và động viên kịp thời để theo sát tình hình của con.
Ảnh hưởng tới sức khỏe
- Nếu chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu quá sớm ở bé gái, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết tố. Là nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành.
- Làm tăng nguy cơ ung thư vú, bệnh tim, đột quỵ…
Cách phòng tránh dậy thì sớm
- Dinh dưỡng hợp lý: Tăng cường rau củ quả cho trẻ trong bữa ăn hằng ngày, đảm bảo lượng đạm đầy đủ.
- Không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ…
- Không tẩm bổ cho bé quá mức, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán… chứa nhiều chất béo khiến trẻ thừa dinh dưỡng. Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, không rõ nguồn gốc.
- Hạn chế các thực phẩm chứa hormon tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới dậy thì sớm.
- Khuyến khích trẻ năng vận động: vận động sẽ giúp trẻ tiêu hao năng lượng như các môn bơi, nhảy dây, đá bóng, đá cầu…
Có thể bạn sẽ thích: