Bố mẹ làm gì khi con chửi bậy?
Ba mẹ có tức giận khi thấy con chửi bậy không?
Còn mình thì rất lo lắng & buồn lòng.
Có lẽ ai trong chúng ta chẳng mong con ngoan ngoãn lễ phép phải không? Thế nhưng chẳng phải lúc nào bé cũng như ta kỳ vọng.
Tạm gạt bỏ cảm xúc sang một bên, mình dành nhiều thời gian hơn để quan sát & trò chuyện cùng con để tìm cách khắc phục.
Và đây là một số kinh nghiệm mà Minh Ngọc đã có được, sau một hành trình khá dài để thay đổi việc nói tục của con.
Mời các mẹ cùng tham khảo nha!

Tại sao trẻ con chửi bậy?
Có cả ngàn lý do để trẻ con chửi bậy, nhưng Ngọc nghĩ thì phổ biến nhất là những lý do sau:
- Cũng như người lớn, trẻ con chửi bậy để thể hiện cảm xúc cá nhân. Mình tin là như vậy! Đó là cảm xúc đau đớn, bực tức, ức chế mà con phải trải qua.
- Chửi bậy cũng là cách để trẻ thể hiện cái tôi, gây sự chú ý với bạn bè. Có thể trẻ nghĩ đó là cách giúp câu chuyện của mình trở nên lôi cuốn và hài hước hơn.
- Mình nghĩ còn một lý do quan trọng nhất khiến trẻ con chửi bậy đó chính là do môi trường. Nếu trẻ sống trong môi trường mà bố mẹ, bạn bè xung quanh thường xuyên chửi bậy, trẻ sẽ bị nhiễm. Trẻ nghĩ đó là cách giúp mình hòa nhập được với mọi người xung quanh.
Làm gì khi trẻ con chửi bậy?
Phải làm gì bây giờ?
Chắc chắn đây là điều mọi bố mẹ nghĩ đến khi thấy con mình nói tục, chửi bậy. Bản thân mình, mình đã áp dụng những cách sau:
Giải thích cho con hiểu ý nghĩa của từ chửi bậy
Mình nghĩ, trẻ còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của các từ đó. Không hiểu rằng nói những từ đó sẽ khiến người khác cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.
Trong trường hợp này mình đã bình tĩnh để giải thích cho con hiểu được ý nghĩa của những từ đó. Bày tỏ rõ thái độ để trẻ hiểu không nên nói lại điều đó.
Bản thân mình cho rằng, nếu bố mẹ phản ứng quá dữ dội sẽ tạo tác dụng ngược. Trẻ thậm chí chẳng biết mình sai ở đâu mà bị bố mẹ mắng.
Làm gương cho con
Trẻ con là tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Nhiều người cho rằng đây là điều sáo rỗng, nhưng mình thì ngược lại.
Mình tin, nếu trẻ được sống trong môi trường mà ở đó bố mẹ cư xử hòa nhã, sử dụng những lời hay ý đẹp, không nói tục, chửi bậy; trẻ sẽ được hình thành nhân cách và phẩm chất như vậy.
Dạy con cách thể hiện cảm xúc bằng cách khác, thay vì chửi bậy
Như mình đã nói ở trên, trẻ nói tục chửi bậy thường xuất phát từ việc thể hiện cảm xúc cá nhân. Mình thường xuyên bày cho bé nhà mình nhiều cách thể hiện cảm xúc khác nhau.
Có thể bằng việc nói ra suy nghĩ: “Mình đang rất bực, các cậu đừng trêu chọc nữa”, hoặc bằng cách viết, vẽ ra điều khiến trẻ bực bội. Giải phóng năng lượng cũng là cách để trẻ giải tỏa cảm xúc cá nhân.
Dạy con cách gây ấn tượng khác với bạn bè
Mong muốn gây ấn tượng, hòa nhập cùng bạn bè cũng là điều khiến con nói tục, chửi bậy. Nhận ra điều đó, mình bắt đầu giúp con tập hợp nhóm bạn chơi thân, bày cho chúng những trò chơi lành mạnh. Có thể là đá cầu, đá bóng, chơi cầu lông,… và dặn chúng hãy thể hiện bản thân qua các trò chơi.
Ngoài ra, mình cũng nói rõ cho con hiểu với mỗi người, con hay dùng ngôn ngữ và cách nói chuyện khác nhau, sao cho phù hợp. Tuy nhiên vẫn có những từ ngữ thuộc danh sách cấm. Các bố mẹ nhớ điều này nhé!
Bày tỏ thái độ rõ ràng, xử phạt khi trẻ lặp lại
Một điều mình nhận thấy ở nhiều phụ huynh là cười khi thấy con nói tục, chửi bậy. Nhiều người cho rằng, trẻ con thì đã biết gì, chúng chỉ nói theo rồi sẽ quên ngay thôi. Nhưng với mình thì không.
Mình bày tỏ thái độ rõ ràng, nghiêm túc để cho con hiểu không nên lặp lại điều đó. Mình cũng áp dụng một vài hình thức phạt nếu con tái phạm.
Ví dụ: Tịch thu đồ chơi, không cho xem phim,…
Có thể, khi xã hội trở nên văn minh, mọi người cho rằng nói tục, chửi bậy không phản ánh được phẩm chất đạo đức của con người. Bản thân mình hiểu, phẩm chất đạo đức con người thể hiện ở nhiều mặt khác nhau. Thế nhưng, có những từ ngữ trẻ không được phép nói.
Nếu bố mẹ có cách xử lý nào khác, hãy chia sẻ cùng mình và các phụ huynh khác nhé!